Lối thiết kế, bài trí nhà ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc tổng thể của những người sống trong đó. Một không gian sống thư thái là sự phản ánh tích cực về các khía cạnh khác trong cuộc sống của chính gia chủ. Trong suốt hàng nghìn năm qua, phương pháp thực hành phong thuỷ Trung Hoa cổ đại đã được vận dụng nhằm đạt được sự hài hoà và cân bằng giữa con người với không gian họ sống.
Phong thuỷ, tức là “gió” và “nước” là học thuyết cổ xưa nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống hoạ phúc của con người, từ đó chọn ra thời và điểm tốt nhất để xây nhà dựng cửa, gieo trồng mùa màng và các hoạt động phục vụ đời sống khác. Các triết lý phong thuỷ dựa trên các yếu tố của đất, kim loại, nước, gỗ và lửa, thể hiện thông qua các hình dạng, màu sắc, vật liệu khác nhau trong một ngôi nhà. Sự cân bằng, hài hoà của các yếu tố này tạo lập nên không gian sống hạnh phúc, có tổ chức, tăng cường sức khoẻ và cải thiện cuộc sống của con người. Rõ ràng, phong thuỷ có vai trò rất to lớn nhưng cần hiểu rằng phong thuỷ chỉ hỗ trợ, có tác dụng cải biến chứ không thể làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh.
Khi nói đến phong thuỷ trong thiết kế, bố trí nội thất nhà ở, một trong những yếu tố quan trọng nhất là “khí”. Theo cách hiểu của người phương Đông, khí ở đây chính là sức mạnh tổng thể chi phối sức khoẻ, của cải và hạnh phúc của mọi người. Nhiệm vụ của phong thuỷ là làm chủ các mặt tích cực và hạn chế các mặt tiêu cực của khí nhằm làm cho cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp và may mắn hơn.
Phong thuỷ chú trọng sự cân bằng và hài hoà trong không gian sống. Ảnh: Lisa Romerein
Phong thuỷ khởi nguồn từ tâm niệm con người tạo ra năng lượng tích cực không phải bằng cách chắp tay nguyện cầu và chờ mong mọi thứ tốt đẹp sẽ đến với mình mà phải thông qua quá trình tìm hiểu, cải biến liên tục. Để kiến tạo không gian sống hạnh phúc ngay trong chính ngôi nhà mình, hãy thử áp dụng những thay đổi đơn giản dưới đây.
Loại bỏ mọi sự lộn xộn
Theo triết lý phong thủy, sự bừa bộn, lộn xộn sẽ hút hết sinh khí và gây ra tình trạng trì trệ. Một ngôi nhà thiếu sinh khí sẽ khiến con người sống trong đó luôn trong trạng thái mệt mỏi, suy sụp, thiếu động lực. Vì thế, hãy loại bỏ hết những thứ không dùng tới nữa, giữ cho nhà cửa luôn sạch sẽ, ngăn nắp để dễ dàng đón nhận nguồn năng lượng tích cực và vận khí tốt, mang tới cảm giác thoải mái, dễ chịu cho những thành viên sống trong đó. Hàng tuần, bạn nên dành một chút thời gian để dọn dẹp, sắp xếp lại nhà cửa, loại bỏ những món đồ không dùng tới hay những chướng ngại vật cản trở lối giao thông trong nhà như cửa ra vào hay hành lang.
Đảm bảo luồng giao thông rộng thoáng
Bố cục nội thất trong nhà cần được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo sự hợp lý, tạo ra luồng giao thông thuận tiện, đồng thời đảm bảo ngôi nhà luôn ngăn nắp, sạch sẽ cho phép sinh khí dễ dàng luân chuyển xuyên suốt trong nhà. Tránh để vật chặn ngang lối đi vì sẽ làm sinh khí bị ứ đọng. Cụ thể, trong phòng khách, không nên đặt sofa quay lưng về hướng lối vào phòng. Ngoài ra, nên cân nhắc tới việc chuyển từ bàn trà vuông, bàn trà chữ nhật sang bàn tròn bởi những đường nét bo tròn đảm bảo luồng giao thông trôi chảy hơn. Hãy nghĩ về cách các thành viên di chuyển trong căn phòng và đảm bảo lối đi luôn trơn tru, mạch lạc để có phong thuỷ tốt hơn.
Lối vào tràn đầy sinh khí
Lối vào chính là cửa ngõ đưa nguồn năng lượng tích cực vào nhà. Lối vào nhà có thể là một con đường nhỏ, cũng có thể là những cấp bậc từ cổng, từ sân vào nhà. Theo phong thuỷ, một cửa ngõ lưu thông khí tốt sẽ mang đến cho ngôi nhà nhiều điều tốt lành. Vì lý do đó, chúng ta nên cố gắng giữ gìn cho cổng và cửa ra vào luôn sạch đẹp, mang lại cảm giác tươi sáng và chào đón. Bên cạnh đó, không nên bố trí lối vào nhà theo dạng đường thẳng để tránh tà khí hay sinh khí dồn vào nhà quá mạnh gây nên sự bất ổn cho gia chủ. Tốt nhất nên tạo thế uốn cong nhẹ nhàng hoặc đặt thêm hòn đá, chậy hoa, cây cảnh theo hình zích zắc. Lối vào nên rộng rãi, sáng sủa, bề mặt bằng phẳng để thu hút sinh khí. Hãy thắp thêm đèn nếu lối vào quá tối. Cây cối hai bên lối vào cũng cần được cắt tỉa gọn gàng bởi theo quan niệm phong thuỷ, cây cối um tùm sẽ cản trở sinh khí vào nhà.
Lựa chọn cây phong thuỷ
Theo phong thuỷ, việc trong nhà có trồng thêm các loại cây cảnh không chỉ tạo kết nối với thiên nhiên mà còn mang đến năng lượng tích cực cũng như sức khoẻ, tài lộc cho gia chủ. Khi trồng cây trong nhà, cần lưu ý đến vị trí đặt cây, đồng thời phải chọn loại cây nào vừa đẹp, vừa phù hợp với môi trường trong nhà. Trước tiên, nên chọn cây xanh tươi tốt, có nhiều mầm lộc gợi đến khả năng phát triển của gia chủ trong tương lai. Đồng thời, nên chọn cây có thể phát triển tốt trong môi trường bóng râm, ít ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, để không mang lại cảm giác bất an, nên tránh những loài cây có hình dáng quá xù xì, gai góc hay dị dạng. Loại cây phong thuỷ thích hợp cho ngôi nhà là vạn niên thanh, cây thường xuân, thuỷ tiên, kim tiền, trầu bà, hồng môn...
Giường, bàn làm việc ở vị trí chỉ huy
Vị trí chỉ huy được đề cập đến trong phong thuỷ nhằm giải thích vị trí của giường, bàn và nhiều thứ khác tương quan với vị trí cửa ra vào nhưng thông dụng nhất vẫn là giường ngủ, bàn làm việc. Theo đó, giường ngủ và bàn làm việc nên được đặt ở vị trí sao cho chủ nhà vẫn có thể nhìn thấy cửa phòng khi nằm trên giường hay ngồi làm việc. Ở vị trí này, chủ nhà sẽ cảm thấy chủ động và thoải mái hơn vì có thể kịp thời nhận thức các cơ hội hay xử lý những mối đe doạ sắp xảy ra xung quanh mình. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo giường ngủ, bàn làm việc không đối diện với cửa ra vào hay gương soi để tránh tâm trạng bất an.
Tạo sự cân bằng với phong thuỷ màu sắc
Màu sắc tác động nhanh chóng đến thị giác và cảm nhận của một người về không gian sống. Trong phong thủy, màu sắc tạo nên các trường năng lượng. Do vậy, màu sắc nội thất cần đảm bảo sự hài hoà với thiên nhiên và con người, thuận theo nguyên lý ngũ hành, âm dương. Vận dụng tốt phong thuỷ màu sắc khi thiết kế, bài trí nhà sẽ mang lại sự hài hoà về năng lượng, tăng năng lượng cho không gian sống để trợ lực cho con người. Thông thường, các gia chủ sẽ chọn nội thất theo màu bản mệnh hoặc màu tương sinh của mình. Cụ thể: Mệnh Kim hợp với các màu như vàng, vàng nhạt, trắng, xám, ghi, nâu đất. Gia chủ mệnh Mộc lại hợp với màu xanh lam, đen, xanh lá cây, màu gỗ. Người mệnh thuỷ có thể chọn xanh ngọc, xanh biển, da trời đậm, đen hay màu tượng trưng cho hành kim. Trong nhà người mệnh Hoả nên sử dụng các màu bản mệnh như đỏ, hồng, tím, da cam hoặc kết hợp thêm các màu tương sinh của mệnh Hoả như xanh lục, xanh lá cây. Màu sắc của gia chủ mệnh Thổ có thể là nâu đất, xám, vàng, đỏ.
(Tổng hợp)
Giao hàng toàn quốc
Tiếp tục mua hàngPhí vận chuyển: Tính lúc thanh toán
Thành tiền:
Bình luận